Chị Huyền Thương

Cái mác ương ngạnh theo mình từ bé đến giờ, làm gì cũng phải theo đuổi đến cùng, đến chết, không từ bỏ, học gì cũng học bằng giỏi thì thôi. Hồi còn du học, mê chơi Liên minh huyền thoại lắm, hôm nào cũng xả stress đến 6 – 7 tiếng nhưng GPA chưa bao giờ dưới 3.7.

Cuối năm nay định là sẽ đi du học bằng Thạc sĩ Kinh tế Quốc tế bên Philippines, mà bên đó công việc dùng Tiếng Trung cũng nhiều nên tự đặt mục tiêu từ giờ đến tháng 12 phải học Tiếng Trung ôn ổn.

Ngày làm 8 tiếng bận không có thời gian thở. Nhưng bù lại nghỉ trưa có hôm tiếng rưỡi, có hôm được 2 tiếng tròn. Lúc mọi người đi ngủ thì mình ngồi học tiếng. Tan ca về nhà mình cũng ngồi học bài cả tối luôn, ít đi chơi lắm. 6h tan làm thì chạy bộ tầm 1 tiếng. Chạy đến 7h, về nấu cơm hoặc ăn nhẹ gì đấy rồi tắm rửa, ngồi vào bàn học. Và cứ ngồi như thế từ 8h đến 10 hoặc 11 giờ gì đấy.

Ngày nghỉ thì sao à? Thường thì thứ 7 chủ nhật mình sẽ đi chơi. Trong tuần dành toàn bộ thời gian để đi làm và đi học. Mình chỉ đi chơi tối thứ 7 thôi, còn cả ngày chủ nhật sẽ ở nhà học cho hết.  Riêng chủ nhật sẽ ngồi học từ 12h30 trưa đến 5h chiều. Nhanh nhanh chuẩn bị sách vở cho kịp ca học 18h tối bên Thái Hà.

Nghe thì điều độ thế chứ không phải lúc nào cũng đều như vắt tranh được. Có những hôm không đủ thời gian, mình không xem kĩ được bài cũ thành ra đi học cứ ù ù cạc cạc. Nản thì thôi rồi. Lúc ấy cũng định buông xuôi việc học đấy, mệt quá mà. Những lúc ấy cô Minh Phương lại tỉ tê, ủn mông các kiểu. Lại thấy có sức đi học liền.

Mình thích mấy bài hội thoại và phần Chém gió song ngữ trong sách lắm. Tất cả các đoạn hội thoại trong sách hầu như mình đều thuộc hết. Nếu ngoài đời có nói chuyện với ai, mình có thể bê cả đoạn hội thoại đó ra dùng được luôn. Như vậy thì sẽ không cần nghĩ nhiều quá vì chỉ cần thay từ này từ kia vào cho phù hợp với hoàn cảnh thôi, cấu trúc câu trong bài mình đã nằm lòng rồi.

Học Tiếng Trung nhắc đến nói thì mê lắm nhưng viết chữ thì ối dồi ôi luôn. Một chữ có đến chục nét, viết đi viết lại vẫn không nhớ nổi. Thế là mình nghĩ ra một cách. Trong chữ nào cũng có bộ Thủ đúng không? Thế là mình học thuộc bộ Thủ. Mình bịa ra một câu chuyện, liên kết tất cả các bộ Thủ, các nét trong chữ ấy lại với nhau. Ví dụ như từ 容易 (/róngyì/: dễ dàng) có bộ Miên ở trên, bên dưới là bộ Bát, sau đó là bộ Nhân và dưới cùng là bộ Khẩu.

Gom góp các bộ vào rồi, mình sẽ bịa ra một câu chuyện là: “Một gia đình có 8 miệng ăn thì không dễ dàng gì.” Mỗi lần viết chữ thì nhẩm lại. Thế mà từ đấy không bao giờ quên nữa thật. Kể cả khi mình không nhớ cách viết đi chăng nữa thì khi gõ chữ nhìn mặt chữ mình sẽ nhận ra luôn.

Có lần mình kể với Tâm – quản lý lớp ở Trung tâm là, tiếng Trung là ngôn ngữ thứ 4 mà mình biết nói. Từ đấy, Tâm suốt ngày bảo mình sướng, bảo mình có thiên phú học ngoại ngữ. Chưa hết 6 buổi phát âm đã hát hò Tiếng Trung tá lả, bắn tiếng như rap rồi. Thật ra là mình bắt chước phim Trung Quốc đấy. Ai mà chẳng có idol đúng không? Mình cũng có Hoa Thần Vũ này, Cung Tuấn này.

Trước khi học ở Trung tâm thì mình chỉ xem phim, nghe nhạc và bắt chước theo thôi. Bắt chước chuẩn đến nỗi đăng video hát nhạc Tiếng Trung lên, nhiều người comment tưởng mình học tiếng được mấy năm rồi. Sau khi học tiếng thì thấy Tiếng Trung khác hoàn toàn, khác từ cách phát âm trở đi ấy. Đó cũng là lý do ngày nào mình cũng dành 3 tiếng cho Tiếng Trung, thậm chí là cả ngày nếu đó là ngày nghỉ.

Mình có một người bạn chơi piano, chơi hay đến nỗi nổi tiếng ở trường. Nhưng ngoài mình ra thì không ai biết là bạn ấy tập piano đến 3h sáng. 7h sáng đi học. Mọi người cứ nghĩ là bạn ấy có thiên phú chơi đàn piano. Không phải đâu. Thiên phú làm gì dẫn đến thành công. Phải chăm chỉ, phải nỗ lực rất nhiều. Thiên phú chỉ chiếm 20% thôi, 80% còn lại dựa vào nỗ lực. Muốn ngồi ở vị trí không ai ngồi được thì phải chịu được áp lực không ai chịu được mà, đúng không?

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *